Tin tức

    TP.HCM: Chế tài nghiêm hành vi xâm hại môi trường

       TPHCM đã đặt ra mục tiêu xây dựng TP văn minh, hiện đại… mà để văn minh, hiện đại, trước hết phải sạch sẽ, không vứt rác thải bừa bãi, hạn chế tối đa tình trạng ngập nước. Bài học về giữ gìn vệ sinh môi trường đã được ông bà ta nhắc nhở từ xa xưa: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Gần đây, bài học này thường xuyên được nhắc đi nhắc lại qua rất nhiều đợt tuyên truyền vận động người dân không vứt rác bừa bãi, không san lấp kênh, rạch trái phép….

    Ảnh minh họa

    Ảnh minh họa

       Cùng với đó, TPHCM còn phát động nhiều chương trình trồng thêm cây xanh, đặt ra yêu cầu hạn chế “bê tông hóa”, “dành” không gian cho nước… nhằm chống ngập, bảo vệ môi trường. Do đó, không thể nói mọi người, nhất là những người dân sinh sống ở các TP lớn như TPHCM vốn hàng ngày tiếp nhận rất nhiều thông tin về môi trường, không hiểu, không biết các hành vi xâm hại môi trường như trên không những sai về mặt luật pháp mà còn không đúng cả về mặt đạo đức, lối sống. Đáng nói, hậu quả của các hành vi này cũng đã hiển hiện rõ, đó là tình trạng ngập nước, “ao tù, nước đọng”, phát sinh muỗi, mùi hôi, ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi. Chất lượng sống của không ít người đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vấn nạn này.

       Thế nhưng, các hành vi xâm hại môi trường vẫn cứ diễn ra. Chỉ có một cách giải thích hợp lý cho hành vi này, đó là… sự thiếu ý thức. Chữa trị cho căn “bệnh” thiếu ý thức, không có cách nào khác: phải xử phạt nghiêm. Nghiêm tới mức, trước khi hành động, người ta nghĩ tới hình phạt và sợ không dám làm nữa.

       Nghị định 55/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hiện đang được thực thi, có mức phạt mà theo nhiều chuyên gia, nếu xử kịch khung sẽ có tính răn đe cao. Cụ thể, với hành vi bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Các hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng. Vài triệu đồng là số tiền lớn so với thu nhập bình quân của đại đa số người dân. Vì thế, nếu bị phạt tới mức đó, sẽ ít có người dám tái phạm.

       Trung bình mỗi năm TPHCM phải tốn hàng trăm tỷ đồng cho công tác quét dọn vệ sinh trên đường phố, thu gom rác trên kênh rạch. Nếu xử phạt nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi, đặc biệt vứt rác xuống hệ thống cống thoát nước, TP không những tiết kiệm đáng kể chi phí quét dọn, thu gom, vớt rác trên kênh rạch, giúp người dân được sống trong môi trường sạch sẽ mà còn góp phần chống ngập hiệu quả. Chưa kể, ở góc độ quản lý, xử lý, ngăn chặn hành vi sai trái ngay từ đầu sẽ hiệu quả, căn cơ hơn rất nhiều so với việc đi giải quyết hậu quả.

       Hiện nay, TPHCM đã gắn camera an ninh ở nhiều khu phố. Hệ thống camera này chắc chắn sẽ ghi được cả hình ảnh vứt rác bừa bãi và nếu được thừa nhận, chúng có thể là căn cứ để ngành chức năng xử phạt những người vi phạm. Đây là giải pháp rất khả thi để TP triển khai công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trong bối cảnh nhân lực cho công tác này còn thiếu. TPHCM đã đặt ra mục tiêu xây dựng TP văn minh, hiện đại… mà để văn minh, hiện đại, trước hết phải sạch sẽ, không vứt rác thải bừa bãi, hạn chế tối đa tình trạng ngập nước.

       Tất nhiên, bên cạnh việc xử phạt nghiêm, TP cũng nên rà soát lại hệ thống thùng rác công cộng. Nơi nào thiếu, nên bổ sung. Một mặt xử lý nghiêm người vi phạm, nhưng mặt khác cũng tạo điều kiện cho thực thi tốt các quy định về bảo vệ môi trường, chắc chắn người dân sẽ “tâm phục, khẩu phục” và như vậy tình trạng ô nhiễm môi trường, nghẹt cống thoát nước, gây ngập ở TPHCM mới được cải thiện trong tương lai.

     

    Nguồn: sggp.org.vn/che-tai-nghiem-hanh-vi-xam-hai-moi-truong-820332.html

    Khách hàng nhận xét