Việt Nam hiện có 2.372 con sông có chiều dài hơn 10 km, với tổng dòng chảy khoảng 840 tỷ m3/năm, trong đó có từ 520 đến 525 tỷ m3 nước chảy từ các quốc gia láng giềng ở thượng nguồn các lưu vực sông. Nước là nguồn tài nguyên có hạn, nước bao phủ 71% diện tích trái đất, trong đó 97% là nước mặn phần còn lại là nước ngọt và trong 3% nước ngọt đó thì chỉ khoảng 0.003% nước ngọt sạch mà con người đang sử dụng, phần còn lại bị đóng băng hoặc nằm quá sâu dưới lòng đất mà con người chưa có khả năng khai thác được.
Việt Nam hiện có 2.372 con sông có chiều dài hơn 10 km, với tổng dòng chảy khoảng 840 tỷ m3/năm, trong đó có từ 520 đến 525 tỷ m3 nước chảy từ các quốc gia láng giềng ở thượng nguồn các lưu vực sông vào Việt Nam, lượng nước còn lại được sinh ra từ chính lãnh thổ nước ta. Các hoạt động sử dụng, phát triển tài nguyên nước trên các sông cùng chia sẻ với Việt Nam của các nước láng giềng sẽ tác động trực tiếp đến nguồn nước của chúng ta. Việc phụ thuộc nhiều vào nguồn nước từ bên ngoài của nước ta được xem là một trong những thách thức lớn trong công tác phát triển và quản lý tài nguyên nước. Bên cạnh đó, do lượng mưa hàng năm phân bố không đều theo mùa, cho nên có sự phân hóa lượng dòng chảy mùa mưa và mùa khô. Về mùa mưa, sự tập trung dòng chảy lớn có thể gây nên hiểm họa thiên tai như lũ, lụt, trong khi đó mùa khô, có thể gây nên hạn hán, thiếu nước cho nhu cầu của con người và sản xuất. Trong những năm qua, lượng nước bình quân đầu người ở nước ta giảm khá nhanh. Từ 12.800 m3/người (năm 1990) xuống còn 9.000 m3/người (năm 2015), dự báo giảm xuống còn 8.300 m3/người vào năm 2025. Nếu tính riêng lượng nước nội sinh trong lãnh thổ Việt Nam, lượng nước bình quân chỉ còn 3.000 m3/người vào năm 2025.
Ngoài ra, do nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, sinh hoạt không qua xử lý đổ vào các dòng sông và nguồn nước dưới đất làm suy giảm nhanh chóng lượng nước có thể sử dụng được ở nước ta hiện nay. Theo các chuyên gia ngành nước, mặc dù chương trình cải cách toàn diện về xử lý nước thải đã được thông qua năm 2007 (Nghị định 88/2007), ô nhiễm vẫn có xu hướng gia tăng. Các vấn đề chính đang được đặt ra hiện nay là: Ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và các làng nghề; Ô nhiễm do hóa chất trừ sâu và phân bón trong nông nghiệp; Hệ thống quy định pháp lý kém thực thi; Tỉ lệ kết nối thấp với mạng lưới thoát nước; Đầu tư thấp ở mọi khâu trong thu gom, xử lý nước thải và bùn thải; Bỏ qua khả năng tái sử dụng nước thải; Mức phí thấp dẫn đến thu không đủ để bù chi.
Báo cáo của Nhóm Tài nguyên nước 2030 (2030WRG, 2017) đã xác định xử lý và tái sử dụng nước thải là một lĩnh vực ưu tiên đầu tư và lĩnh vực này có thể hấp dẫn nếu như lợi ích, tái sử dụng nước thải đã qua xử lý – có thể tạo ra nguồn thu. Báo cáo cho rằng, việc tái sử dụng nước thải đô thị có khả năng làm giảm áp lực về tài nguyên nước của TP. HCM về mức “căng thẳng thấp” vào năm 2030. Đây là việc có giá trị, nhưng vấn đề đặt ra làm thế nào để hiện thực hóa và cần sửa đổi quy định như thế nào. Tương tự, xử lý nước thải từ các cụm công nghiệp dọc sông Nhuệ- Đáy gần Hà Nội có thể cải thiện đáng kể chất lượng nước mặt, nhưng một lần nữa các lợi ích cần phải được chi trả.
Báo cáo của Nhóm Tài nguyên nước 2030 cũng cho rằng, tái sử dụng trong công nghiệp có thể biến việc xử lý nước thải thành cơ hội kinh doanh thương mại và đề xuất ba cách thức: tận dụng đầu tư cho nước thải từ các tổ chức công và tư nhân theo thỏa thuận đối tác công tư PPP; làm việc với các công ty phát triển hạ tầng về thương mại hóa các nhà máy xử lý và hệ thống tái sử dụng nước thải công nghiệp; và yêu cầu (trong một số trường hợp) ngành công nghiệp phải sử dụng nước thải đã qua xử lý cho các quy trình sản xuất. Một giải pháp đôi bên cùng có lợi, đặc biệt là tại các điểm nóng căng thẳng về nguồn nước, có thể là đầu tư vào xử lý và tái sử dụng nước thải.
Hiện các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn đã và đang quy hoạch và triển khai xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung. Việc đưa vào vận hành các nhà máy này sẽ góp phần giảm thiểu một lượng nước thải sinh hoạt tại khu vực đô thị, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt các sông hồ nội thành, nội thị tại nhiều địa phương.
Dự kiến sẽ xây dựng 51 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị từ loại 3 trở lên với công suất hơn 4 triệu m3/ngày đến năm 2030. Có một số công nghệ xử lý nước thải tại chỗ cho các hộ gia đình hay các cụm dân cư với công suất nhỏ hơn cũng được nghiên cứu và ứng dụng khá tốt như các mô hình bể BASTAF, bể AFSB, AFSB-F…
Có nhiều phương pháp xử lý nước thải chăn nuôi được áp dụng như phương pháp sinh học, hóa lý, đất ngập nước… trong đó phương pháp sinh học được ứng dụng phổ biến. Gần đây, một số kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, do đặc tính nước thải chăn nuôi, điển hình là chăn nuôi lợn có hàm lượng các chất hữu cơ, nito, phốt pho và coliform rất cao nên phải được xử lý qua 3 bước kế tiếp bao gồm xử lý yến khí với kỹ thuật ABR để loại phần lớn chất hữu cơ, tiếp theo là xử lý bằng kỹ thuật lọc sinh học hiếu khí-thiếu khí loại bỏ tiếp chất hữu cơ và phần lớn nito, phốt pho và cuối cùng là xử lý bổ sung bằng thực vật thủy sinh loại bỏ các chất này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khảo sát, các công trình khí sinh học quy mô nhỏ hơn 15m2 phù hợp với nhu cầu sử dụng khí ga đun nấu của hộ gia đình nên đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất. Cặn lắng từ khâu xử lý nước thải được thu gom xử lý chung với phân và nước rỉ trong quá trình ủ phân có thể đưa ngược trở lại hệ thống xử lý nước thải.
Khảo sát 120 nhà máy chế biến thủy sản trong cả nước, công nghệ xử lý nước thải đang được áp dụng gồm công nghệ lọc yếm khí kết hợp hồ sinh học; công nghệ sinh học hiếu khí bùn hoạt tính lơ lửng hay kết hợp kỵ khí và hiếu khí; quá trình hóa lý kết hợp với quá trình sinh học hiếu khí, trong đó chủ yếu là công nghệ sinh học hiếu khí bùn hoạt tính lơ lửng.
Với ngành sản xuất dệt nhuộm, 4 công nghệ chính đang được áp dụng như kết hợp hóa lý và lọc; kết hợp hóa lý và sinh học hiếu khí hay ngược lại; kết hợp hóa lý, sinh học hiếu khí và hóa lý; kết hợp hóa lý, sinh học và lọc.
Do đặc thù của ngành dệt nhuộm có sử dụng nhiệt trong quá trình nhuộm nên nước thải thường có nhiệt độ cao nên dây chuyền công nghệ của một số công ty có sử dụng tháp giải nhiệt hoặc giàn làm mát. Hầu hết các hệ thống xử lý được khảo sát đều không có công đoạn khử trùng trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
Do đó, chỉ tiêu coliform của nước thải đầu ra hầu hết đều vượt quy chuẩn việt Nam. Ngoài việc thiếu hụt kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp khó khăn trong việc không được tiếp cận hệ thống, công nghệ xử lý chất thải mới. Do đó, chất lượng nước thải không đảm bảo khi xả thải ra môi trường.
Hiện Việt Nam đang áp dụng một số nhóm công nghệ như bãi lọc trồng cây kết hợp bể lọc yếm khí; hồ sinh học ổn định; lọc sinh học nhỏ giọt; bùn hoạt tính trong bể hiếu khí hay xử lý nước thải theo nguyên tắc yếm khí-thiếu khí-hiếu khí hoặc hiếu khí-thiếu khí trong các công trình hợp khối. Mỗi công nghệ, phương pháp xử lý có ưu điểm, nhược điểm riêng nên trong quá trình áp dụng cần có sự cân nhắc cho phù hợp.
Do đặc trưng của nước thải sinh hoạt có hàm lượng chất rắn lơ lửng và các chất hữu cơ lớn, thành phần khá phức tạp nên các công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung loại bỏ các chất ô nhiễm này và thường phải thường tích hợp nhiều phương pháp để xử lý.
Hiện nay công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có sự khác biệt ở các đô thị khác nhau, tùy thuộc vào tính chất nước thải và công suất xử lý. Công nghệ bùn hoạt tính được áp dụng rộng rãi nhất bao gồm bùn hoạt tính truyền thống, kỵ khí-thiếu khí-hiếu khí, bể phản ứng sinh học hoạt động theo mẻ hay mương ôxi hóa.
Gần đây, giải pháp xử lý nước thải phi tập trung hay xử lý nước thải phân tán được đánh giá là một trong những giải pháp phù hợp và hiệu quả để xử lý nước thải làng nghề ở Việt Nam.
Ưu điểm của giải pháp là xử lý nước thải bị ô nhiễm hữu cơ, đặc biệt là nồng độ ô nhiễm cao, với chi phí xây dựng và vận hành thấp so với các giải pháp khác. Việc vận hành không dùng hóa chất và năng lượng nên rất thân thiện với môi trường. Kỹ thuật vận hành bảo dưỡng đơn giản, thuận tiện cho cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường.
Trên thế giới cũng như Việt Nam không áp dụng một công nghệ duy nhất, mà áp dụng nhiều giải pháp công nghệ khác nhau để xử lý an toàn và triệt để nước thải y tế đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường. Ví dụ như ở một số quốc gia xem nguồn nước thải sau quá trình xử lý như nguồn tài nguyên quốc gia, có thể tái sử dụng vào chu trình sản xuất. Bởi hiện nay ”Chúng” hoàn toàn có thể tái sử dụng được bằng một số công nghệ kỹ thuật xử lý hiện đại. Một số quốc gia Châu Á đi đầu trong lĩnh vực này phải kể đến là Nhật Bản, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, Singapore… và trong xu thế đó có Việt Nam.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu cân nhắc đến vấn đề tái sử dụng nước thải sau sản xuất nhằm hạn chế tối đa chi phí nước sạch hàng tháng như một cách tiết kiệm tài nguyên theo cách nhìn của ”Hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực…” theo tiêu chí của doanh nghiệp./.
Nguồn: www.moitruongvadothi.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nghien-cuu-trao-doi/tai-su-dung-nuoc-thai-thuc-trang-va-giai-phap-a64215.html