Với lượng tro bay phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện hàng năm lớn trong khi tỷ lệ tái sử dụng thấp đang gây áp lực lớn cho công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc ứng dụng các công nghệ mới vào xử lý, tái chế, tiêu thụ tro bay từ các nhà máy nhiệt điện góp phần giải quyết bài toán về vấn đề môi trường liên quan đến tro bay.
Tro bay là bụi khí thải dưới dạng hạt mịn thu được từ quá trình đốt cháy nhiên liệu than đá trong các nhà máy nhiệt điện chạy than, là phế thải thoát ra từ buồng đốt qua ống khói nhà máy. Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương đều xác nhận tro bay là chất thải thông thường, được quản lý theo quy định về chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Theo Tổng số đồ điện VII điều chỉnh đã được phê duyệt, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 46 nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động với công suất thiết kế đạt 41.500 MW và thải ra khoảng 25 triệu tấn tro, xỉ/năm. Hiện đã có 24 nhà máy đã đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế 17.554 MW. Lượng tro, xỉ phát sinh khoảng 12,2 triệu tấn/năm, trong đó tro bay chiếm khoảng gần 80%. Lượng tro, xỉ tồn trữ trên 28 triệu tấn, đặc biệt tại các trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Mông Dương, Na Dương và Vũng Áng.
Tro bay có thể sử dụng cho nhiều mục đích như làm nguyên liệu trực tiếp cho các nhà máy sản xuất xi măng, sản xuất gạch không nung, gạch nung nhờ tận dụng nhiệt trị của than không cháy hết còn trong tro bay, làm phụ gia bê tông, sử dụng trực tiếp trong các trạm trộn bê tông, làm vật liệu san lấp, làm nền đường.
Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc tiêu thụ, xử lý tro, xỉ như Chính phủ quy định bắt buộc sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng; đề án đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ tro, xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, đến năm 2020 chỉ cấp diện tích bãi xỉ với dung lượng chứa tối đa cho 2 năm sản xuất; yêu cầu các nhà máy điện than phải chủ động phê duyệt đề án tiêu thụ tro, xỉ đáp ứng yêu cầu. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, đặc biệt là tiêu chuẩn Việt Nam 12249:2018 về tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm vật liệu xây dựng đã được ban hành. Các quy định bảo vệ môi trường đối với phát thải và xử lý, tái chế tro bay cũng đã được cụ thể hóa trong các văn bản luật về thanh tra, bảo vệ môi trường, hình sự.
*Cần tận dụng tối đa “nguồn tài nguyên khoáng sản thứ sinh”
Hiện nay, trên thế giới, tro bay đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ tái sử dụng tro bay tại các quốc gia phát triển rất cao như Italy, Đan Mạch, Hà Lan là 100%, Pháp là 99%, Hàn Quốc là 85%, Nhật Bản 80%.
Tuy vậy, Thạc sĩ Trần Thị Thu Anh, Viện Khoa học môi trường, Tổng cục Môi trường, cho biết: Việt Nam hiện chưa có biện pháp tái sử dụng, xử lý tro bay một cách triệt để gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Lượng tro bay đáp ứng được tiêu chuẩn đầu vào để sử dụng làm phụ gia xi măng, bê tông, sản xuất vật liệu xây dựng không nung thấp. Bãi thải tro bay nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do rò rỉ nước, dễ phát tán bụi kích thước nhỏ, gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm.
Ông Vũ Ngọc Hưng, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, cho rằng cần thay đổi quan điểm trong quản lý tro bay từ các nhà máy nhiệt điện, phải xem đây là một nguồn tài nguyên và cần tái chế thành vật liệu có giá trị và sử dụng rộng rãi trên cả nước.
Tiến sĩ Hoàng Triệu Long, Đại học Khoa học và Công nghệ Đài Loan, nhấn mạnh tầm quan trọng của tư duy chiến lược, gồm 3 yếu tố kỹ thuật, kinh tế và giải quyết môi trường. Công nghệ phải an toàn cho sức khỏe con người, đảm bảo nền kinh tế tuần hoàn và tính bền vững của trái đất. Trong tương lai, tro than sẽ được dùng để sản xuất bê tông có thể tích tro than cao, vật liệu trộn hỗn hợp tro than dùng làm cốt liệu bê tông nghiền, đưa tro than vào vật liệu xi măng thô. Vì số lượng tro than rất lớn nên có thể bắt đầu việc sử dụng với lượng lớn, sau đó tìm kiếm những ứng dụng có giá cao.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, với nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó tăng cường đầu tư xử lý chất thải công nghiệp nói chung; đề xuất, khuyến khích ứng dụng các công nghệ mới vào xử lý, tái chế, tiêu thụ tro bay từ các nhà máy nhiệt điện.
Theo Tiến sĩ Đào Sỹ Đức, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, biến tính và chế tạo vật liệu xúc tác từ tro bay có khả năng xử lý hiệu quả các chất hữu cơ khó phân hủy sinh học; tối ưu được điều kiện xử lý của một số nguồn thải hữu cơ bằng xúc tác chế tạo góp phần giải quyết bài toán về vấn đề môi trường liên quan đến tro bay.
Đến nay Việt Nam đã chế tạo thành công xúc tác Fenton dị thể từ tro bay bằng quy trình ngâm tẩm đơn giản với muối sắt nitơrát. Xúc tác xử lý hiệu quả nhiều loại hợp chất hữu cơ khó phân hủy sinh học. Xúc tác dễ thu hồi, tái sử dụng và có thể ứng dụng trong xử lý nước thải dệt nhuộm thực tế. Xúc tác cũng có thể sử dụng để xử lý nhiều hợp chất hữu cơ khó phân hủy sinh học, góp phần xử lý nguồn thải tro bay, mở ra hướng đi mới cho các chất thải rắn có thành phần tương tự tro bay.
Nguồn: tinmoitruong.vn