Liệu ta có thể sưởi ấm bằng nước thải từ nhà vệ sinh, vòi hoa sen hoặc máy rửa chén? Thành phố Paris, với mạng lưới thoát nước độc nhất vô nhị, đang đặt tham vọng vận hành hệ thống sưởi ấm của 5 tòa nhà công cộng và nhiều tòa nhà khác bằng nguồn “năng lượng” này.
Tại Paris – Pháp: Gần Place du Colonel-Fabien, tọa lạc tại quận 10 của thủ đô Paris, hàng chục công nhân trong quần yếm trắng, trang bị dây đai an toàn, mũ bảo hộ, găng tay và ủng, đang thực hiện những chuyến đường vòng thú vị xuống lòng đất. Cách lòng đất 4 mét là yếu tố tiềm năng cho nền năng lượng tương lai của thủ đô nước Pháp và 2 triệu cư dân nơi đây.
Công ty nước thải Suez (Pháp) đã được chọn để thực hiện công việc xây dựng và vận hành hệ thống trao đổi nhiệt dạng ống đôi. Thiết bị sẽ bao gồm 2 ống chất lỏng với chiều dài 60 mét, đủ khả năng cung cấp 60% nhiệt lượng cho 5 tòa nhà liền dãy: Một trường cao đẳng, hai trường học, một phòng tập thể dục và một bể bơi cho trẻ em. Dự kiến chi phí lắp đặt là 2 triệu euro.
Hiện tại, từ 6 tháng nay, công ty đã dựng một chiếc đập để tạm thời ngắt dòng thải, thông đường ống, nạo vét cống và lắp đặt thiết bị ở đó. Quy trình rất đơn giản: Công ty sẽ sử dụng xi măng để xây thiết bị trao đổi nhiệt vào bên trong vách tường. Thiết bị sẽ chứa chất tải nhiệt, được ngăn cách bằng những vách ngăn có độ dày 1 cm.
Ông Damien Balland – Giám đốc ban Hiệu suất năng lượng và Đổi mới tại Tòa thị chính Paris cho biết, khi tiếp xúc với các bộ trao đổi nhiệt này, nước sẽ “giải phóng năng lượng vào hai máy bơm nhiệt được lắp đặt trong các tòa nhà”.
Theo vị kỹ sư trên, đây là một công nghệ “hai chiều”, vì nước thải có nhiệt độ dao động trong khoảng 13°C vào mùa đông và 20°C vào mùa hè. Trong khi đó, ở môi trường ngoài, thời tiết có nhiệt độ thấp hơn 13°C trong mùa đông, và trên 20°C vào mùa hè. Như vậy, theo ông Damien Balland, bộ trao đổi nhiệt này “có thể tạo ra nhiệt vào mùa đông và làm mát vào mùa hè”.
Trong bối cảnh khủng hoảng về năng lượng và khí hậu, tòa thị chính tự hào vì đã tìm thấy một mạch năng lượng riêng tại đô thị của họ – một nguồn liên tục và “ít được sử dụng”, không phát thải khí nhà kính và không tốn kém nhiều.
Paris không phải là thành phố đầu tiên nảy ra sáng kiến này. Trên quy mô toàn quốc, Bordeaux và Levallois-Perret (tỉnh Hauts-de-Seine) đã thử nghiệm hệ thống này từ một thập kỷ nay. Thậm chí, đối với Paris, đây là dự án thứ hai liên quan đến hoạt động thu hồi nhiệt từ hệ thống cống rãnh. Trên thực tế, vào năm 2019, tòa nhà dịch vụ công quận 11 của Paris và một trường học lân cận đã tiên phong trong loại dự án này.
Theo tòa thị chính trung tâm, sau khi lắp đặt, hệ thống cống rãnh đã cung cấp cho khu vực thêm 30% năng lượng.
Ông Cédric Reboulleau – trưởng bộ phận dự án năng lượng tái tạo của thành phố Paris, nhấn mạnh rằng, thủ đô Paris có mạng lưới cống ngầm dài 2.600 km, phù hợp cho nhiều dự án lắp đặt mới.
Mặt khác, ông Damien Balland cho biết, để lắp đặt được những bộ trao đổi nhiệt này, ngoài việc đi tìm những tòa nhà gần nơi lắp đạt để hấp thụ nhiệt, họ còn cần hệ thống cống rãnh đủ lớn, không có khúc cua, có sẵn bể thu gom nước thải để đảm bảo “luôn luôn có nước”. Bên vận hành bộ trao đổi nhiệt cũng phải theo dõi cống rãnh để đề phòng khả năng cống bị đóng cặn, gây ảnh hưởng đến năng suất của các thiết bị trao đổi nhiệt. Theo vị kỹ sư người Pháp, hệ thống cống rãnh của Paris “được kiểm tra rất thường xuyên”.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, bà Anne Hidalgo – Thị trưởng thành phố Paris, đã đặt quá trình chuyển đổi sinh thái lên làm ưu tiên số một. Vì vậy, đối với bà, đây là một hành động có lợi. Hiện nay, Paris đang nghiên cứu thêm 14 địa điểm khác cho những dự án tương tự.
Ông Jacques Baudrier – Phó Thị trưởng chuyên về công trình công cộng phát biểu: “Chúng tôi đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm. Bây giờ là lúc xem xét khái quát dự án. Mỗi năm, chúng tôi phân bổ 130 triệu euro vào quá trình chuyển đổi sinh thái tại các tòa nhà. Như vậy, đây là hạng mục đầu tư đạt ưu tiên hàng đầu của tòa thị chính. Mục tiêu của chúng tôi: Tiết kiệm được 40% năng lượng vào năm 2030 so với năm 2010, và 60% vào năm 2050”.
Ông Dan Lert – Phó Thị trưởng Paris chuyên về Chuyển đổi Sinh thái cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi đã tiết kiệm được 7% năng lượng tái tạo sản xuất ở địa phương. Từ nay cho đến năm 2030, mức tiết kiệm phải tăng lên 10%”. Vào năm 2018, Paris đã bầu chọn và thông qua kế hoạch khí hậu cho thành phố, nhằm hướng đến sự trung hòa carbon vào năm 2050.