Tin tức

    Huyện Đông Anh: Kêu gọi đầu tư 37 trạm xử lý nước thải tập trung

       Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước trên địa bàn huyện, trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện sẽ đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý nước thải sinh hoạt của các khu dân cư, thôn, làng, tổ dân phố theo quy hoạch.

       Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước trên địa bàn huyện Đông Anh còn nhiều tồn tại, hạn chế, như tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt tại một số kênh mương: Sông Ngũ Huyện Khê, Kênh chợ Kim tại xã Xuân Nộn… vượt quy chuẩn kỹ thuật QCVN 08-MT:2015/BTNMT từ 5 đến hàng chục lần. Còn tình trạng ô nhiễm không khí – bụi, ô nhiễm môi trường nông thôn và làng nghề. Chất lượng thu gom chất thải chưa tốt. Ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh về bảo vệ môi trường còn mang tính hình thức, chống chế…

    trạm xử lý nước thải Đông Anh

    trạm xử lý nước thải Đông Anh


    Trước những tồn tại đó, huyện đã xây dựng đề án đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Cụ thể: Xây dựng kế hoạch triển khai việc xử lý nước thải đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ quan hành chính, văn phòng, trường học trên địa bàn đạt quy chuẩn môi trường Thủ đô, quy chuẩn môi trường Việt Nam trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung; Nước thải của các cơ sở này sau đó được đấu nối vào trạm xử lý nước thải tập trung của khu vực (các trạm xử lý nước thải này được đầu tư xây dựng tại Đề án hoàn thiện và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xử lý nước thải trên địa bàn huyện Đông Anh theo tiêu chí đô thị giai đoạn 2018 – 2025).

       Khuyến khích, yêu cầu các hộ gia đình lắp đặt thiết bị xử lý nước thải sinh tại hộ gia đình đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam về nước thải sinh hoạt; Các công trình xây dựng mới trong quá trình cấp phép, xây dựng phải được đầu tư thiết bị xử lý môi trường đạt quy chuẩn; Duy trì công tác thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn theo hướng chuyên nghiệp (cơ giới hoá); Xây dựng kế hoạch triển khai hiện việc phân loại rác tại nguồn, triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn mỗi xã 1 thôn, làng; thị trấn chọn 2 tổ dân phố.

       Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm soát việc phân loại, thu gom chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, như: vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rơm rạ…; đảm bảo 100% chất thải nguy hại phát sinh được thu gom theo quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Nghị định 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT; kiểm soát rác thải nhựa, nylon, lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm; Tiếp tục triển khai công tác bảo vệ môi trường làng nghề, nông thôn, cải tạo các ao, hồ, trồng mới, chăm sóc cây xanh và thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…

       “Chúng tôi cũng sẽ tiếp thực hiện công tác kiểm soát đối với khí thải phát sinh theo Chỉ thị số 19/2019/CT-UBND và Chỉ thị số 15/2019/CT-UBND của UBND TP về việc thay thế và loại bỏ việc sử dụng bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động đến ô nhiễm môi trường. Huyện sẽ đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư 37 trạm xử lý cục bộ, 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung. Xây dựng kế hoạch, cơ chế để vận hành thành công 1 mô hình xử lý nước thải tại xã Vân Hà” – ông Nguyễn Lê Hiến cho hay.

     

    Nguồn: kinhtedothi.vn/huyen-dong-anh-keu-goi-dau-tu-37-tram-xu-ly-nuoc-thai-tap-trung-398989.html

    Khách hàng nhận xét