Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, khoảng 30 chuyên gia quốc tế đến từ Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Indonesia (BRIN), Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Thái Lan (TINT) và Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VAEI) đã tham gia hội thảo chuyên đề này. Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc cho biết các nhà khoa học từ các quốc gia Đông Nam Á và Hàn Quốc đã hội tụ tại Bangkok, Thái Lan trong một hội nghị chuyên đề 5 ngày bắt đầu từ ngày 25/3 với chủ đề “Hội thảo nghiên cứu chung quốc tế về xử lý nước và nước thải bằng công nghệ chùm tia điện tử”.
Thời gian gần đây, ô nhiễm nước do phát triển công nghiệp đã nổi lên như một vấn đề xã hội nghiêm trọng ở Đông Nam Á và các nhà nghiên cứu các nước đang nỗ lực để tìm kiếm giải pháp chung. Tại hội nghị lần này, đại diện các nước tham dự đã chia sẻ về tình hình nghiên cứu về các vấn đề môi trường cũng như xử lý nước ô nhiễm và nước thải, đồng thời đưa ra phương hướng và các mục tiêu cần đạt được thông qua nghiên cứu chung trong tương lai.
Trước đó, Indonesia đã mời nhóm của Tiến sĩ Yoo Seungho từ Viện nghiên cứu bức xạ tiên tiến thuộc Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc tham gia giải pháp xử lý nước thải nhuộm vào năm 2023 và nhận được tư vấn về công nghệ xử lý nước thải nhuộm bằng công nghệ chùm tia điện tử. Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đang nỗ lực đáp ứng yêu cầu chuyển giao công nghệ bức xạ.
Việt Nam và Thái Lan – những nước đang trong quá trình phát triển công nghiệp nhanh chóng, cũng đang nỗ lực đảm bảo công nghệ xử lý hiệu quả nước thải và nước thải không phân hủy. Giới nghiên cứu của hai nước bày tỏ sự quan tâm cao với công nghệ xử lý nước thải bằng máy gia tốc điện tử di động và hy vọng có thể chuyển giao công nghệ và tiến hành nghiên cứu chung với Hàn Quốc.
Năm 2011, Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Hàn Quốc đã phát triển công nghệ tổng hợp bức xạ dựa trên chùm tia điện tử để xử lý đồng thời các chất ô nhiễm hữu cơ không phân hủy và các vi sinh vật gây bệnh còn sót lại trong nước thải. Công nghệ này đã được công nhận mang tính đột phá và tính khả thi cao về mặt kinh tế. Nghiên cứu này đã được Bộ Môi trường Hàn Quốc chứng nhận và đăng lý công nghệ mới vào năm 2012.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Joo Han-gyu cho biết không giống như các hội nghị học thuật quốc tế hiện tại chỉ đơn giản chia sẻ thông tin và kết quả nghiên cứu, hội nghị chuyên đề lần này có ý nghĩa trong việc hiện thực hóa kết quả nghiên cứu đáp ứng nhu cầu về chính sách phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội của mỗi nước thông qua nghiên cứu chung. Về phía Hàn Quốc, Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử đánh giá đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng và viện sẽ tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu chung để xuất khẩu công nghệ sang Đông Nam Á song song với hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Nguồn: baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/han-quoc-indonesiathai-lan-va-viet-nam-nghien-cuu-chung-ve-xu-ly-nuoc-thai-20240327065751352.htm