Trước tình trạng các trại heo ở xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) xả thải ra môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân xã Điện Tiến (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), UBND huyện Hòa Vang đã kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Sau khi Báo Lao Động có bài viết “Trang trại heo xả thải bức tử ruộng lúa của nhiều hộ dân ở Quảng Nam”, UBND huyện Hòa Vang cùng UBND xã Hòa Tiến thành lập đoàn kiểm tra thực tế đối với các hộ chăn nuôi heo bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường.
Phản hồi với phóng viên, ông Huỳnh Tấn Bôn – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cho biết từ năm 2005, trên địa bàn xã Hòa Tiến đã hình thành 2 khu vực chăn nuôi heo ở thôn Nam Sơn và Lệ Sơn 2 với 6 hộ chăn nuôi. Các hộ này chăn nuôi theo diện kí hợp đồng với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Đến năm 2015 chỉ còn 3 hộ hoạt động chăn nuôi theo mô hình khép kín bằng trại lạnh.
Để đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, ngay khi thành lập khu chăn nuôi tập trung buộc phải xây dựng chuồng trại khép kín, đảm bảo vệ sinh, trồng nhiều cây xanh. Đồng thời các hộ phải xây dựng hệ thống hầm Biogas và hồ lắng tự hủy đủ công suất để xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi trước khi thải ra môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Bôn phản ánh của người dân về việc các trại heo này gây ô nhiễm môi trường là đúng. Lý do vì các chuồng trại này đã hình thành từ lâu nên hệ thống hầm Biogas, xử lý nước thải, hồ lắng trước khi thải ra môi trường đã quá cũ, không còn đảm bảo.
“UBND huyện Hòa Vang đã thường xuyên kiểm tra đồng thời nhắc nhở chấn chỉnh các trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường. Cụ thể, năm 2017, 2 trường hợp trại chăn nuôi đã bị xử phạt với số tiền 3 triệu đồng”, ông Bôn cho biết. Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cũng cho biết thêm đoàn kiểm tra thực tế đã lấy 3 mẫu nước thải của 3 cơ sở chăn nuôi trên để đi kiểm định và đang chờ kết quả.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết các khu chăn nuôi này hình thành theo chủ trương vận động người dân không chăn nuôi nhỏ lẻ ở khu dân cư mà dồn ghép vào các khu vực thưa thớt người ở. Và các trại ở 2 thôn này cũng được quy hoạch là đất nông nghiệp và được phép chăn nuôi.
“Trong 3 hộ chăn nuôi có 1 hộ có giấy chứng nhận sử dụng đất 50 năm và 2 hộ thuê đất của xã với thời hạn 5 năm và được tái ký khi hết hạn”, bà Tâm phản hồi.
Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm
Trước vấn đề, ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang thẳng thắn thừa nhận việc các trại heo gây ô nhiễm môi trường theo phản ánh là đúng. “Không cần chờ kết quả kiểm định thì cũng có mùi hôi. Phân heo xử lý theo công nghệ xả rồi lắng xuống đưa nước ra ngoài mà không gây ô nhiễm môi trường là chuyện khó”, ông Anh nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang, trước mắt các hộ chăn nuôi chuẩn bị tái đàn heo nên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và UBND xã Hòa Tiến phải phối hợp rà soát lại hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi để xem xét số lượng heo nuôi phù hợp.
“Với các hộ chăn nuôi này cần phải được giám sát về môi trường thường xuyên. Đồng thời UBND xã Hòa Tiến cần rà soát lại hợp đồng thuê đất để xem đến hạn hết hợp đồng cân nhắc cho các trại chăn nuôi này tiếp tục tồn tại hay ngừng cho thuê. Chăn nuôi con gì, quy mô thế nào thì không để ảnh hưởng đến môi trường. Vi phạm điều gì phạt điều đấy, phạt xong phải xử lý, nghiêm túc mà chấp hành”, ông Anh khẳng định.
Nguồn: laodong.vn/ban-doc/xu-ly-cac-trai-heo-gay-o-nhiem-moi-truong-o-hoa-vang-da-nang-1267334.ldo