Chiều 1-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã có buổi làm việc với bà Ruth Erlbeck, Giám đốc Dự án quản lý tổng hợp tài nguyên tại các thành phố Châu Á và lãnh đạo các sở ngành về việc thí điểm đấu nối hệ thống thu gom nước thải bằng công nghệ hút chân không tại khu vực ven biển phía Đông (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) thành phố Đà Nẵng.
Theo bà Ruth Erlbeck, điều kiện tiếp cận các dịch vụ vệ sinh môi trường vẫn còn thấp tại nhiều khu vực đô thị Việt Nam. Phần lớn các hộ gia đình sử dụng hầm vệ sinh tự hoại, không xây dựng nắp mở để bảo trì và làm sạch hầm cầu dẫn đến ô nhiễm môi trường xung quanh. Vì vậy, cần phải có hệ thống xử lý nước thải kinh tế và kỹ thuật khả thi để đấu nối các nhà vệ sinh của các hộ gia đình, khách sạn, nhà hàng và các đơn vị thương mại khác trong khu vực nội thị trực tiếp vào hệ thống thoát nước.
Bà Ruth Erlbeck cho biết, Ngân hàng thế giới hiện đã đồng ý hỗ trợ thành phố thực hiện dự án “Phát triển bền vững thành phố”, trong đó có dự án thí điểm “Thu gom nước thải bằng chân không, xử lý nước thải (sản xuất khí sinh học biogas) và sử dụng các sản phẩm phụ (nước tưới tiêu và phân bón từ các nhà máy sản xuất khí sinh học) cho nông nghiệp đô thị” do Văn phòng GIZ – Nexus phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư thực hiện. Theo đó, thành phố có thể tiết kiệm đến 40% chi phí so với hệ thống thoát nước trọng lực thông thường. Về chi phí vận hành, hệ thống chân không chỉ cần một trạm chân không trung tâm thay vì nhiều trạm nâng và hố ga, không cần kết nối điện, không bị trầm tích và tắc nghẽn; các rò rỉ có thể được phát hiện và sửa chữa nhanh chóng.
Theo ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên môi trường), kinh phí thực hiện dự án thí điểm hệ thống chân không này khoảng 6 tỷ đồng. Trong tháng 3/2014, Sở đã phối hợp với phòng Dự án GIZ- Nexus tiến hành khảo sát 110 hộ dân nhằm có cái nhìn sơ bộ về điều kiện vệ sinh tại khu vực này. Tại đây, mực nước ngầm đang cao, đường cống sau nhà hẹp và khó tiếp cận để đấu nối hầm tự hoại, dẫn đến ô nhiễm nước ngầm, kinh phí thực hiện sẽ khó có thể chi trả cho trả cho việc lắp đặt hệ thống tách và thoát nước thông thường.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết khẳng định việc thí điểm đấu nối hệ thống thu gom nước thải bằng công nghệ hút chân không trên địa bàn thành phố là phù hợp với chiến lược quản lý nước thải thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2040. Tuy nhiên, Văn phòng Dự án GIZ- Nexus cần bổ sung và làm rõ các nội dung về bản thông số kỹ thuật, chi phí đầu tư vận hành cũng như hồ sơ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đấu thầu; khả năng tiếp nhận của trạm xử lý nước thải tập trung của thành phố, tính toán những rủi ro, sự cố khi vận hành hệ thống, tính toán chi tiết kinh phí để có cơ sở báo cáo cụ thể với UBND thành phố. Phó Chủ tịch cũng nhấn mạnh đây là công nghệ mới chưa áp dụng tại Việt Nam nên đề nghị các đơn vị liên quan cần làm rõ việc chuyển giao công nghệ đồng thời, cũng như việc thay thế thiết bị có bị phụ thuộc vào nhà cung cấp không. Đặc biệt, tính toán những rủi ro, sự cố khi vận hành thu gom nước thải bằng công nghệ hút chân không; nhất là rủi ro về mùi hôi phát sinh trên đường ống khi dẫn nước về hệ thống xử lý tập trung, hoạt động của hệ thống khi mất điện…
Nguồn: danang.gov.vn/en/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=1365&_c=3