Đầu tư trên 130 tỉ đồng nhưng công trình thu gom, xử lý nước thải ở hồ Bàu Trảng (TP Đà Nẵng) không thể hoạt động do… quá tải. Hơn 1 tuần qua, gần 300 hộ dân sống quanh hồ điều tiết Thanh Lộc Đán (còn gọi là hồ Bàu Trảng; phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) phải liên tục sống cảnh “cửa kín then cài” vì không khí xung quanh ô nhiễm trầm trọng.
Hôi thối đến ngạt thở
Công trình thu gom nước thải tại lòng hồ Bàu Trảng có tổng mức đầu tư hơn 136 tỉ đồng; thuộc một phần gói thầu của dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải bao quanh kênh Phần Lăng và tuyến ống, trạm bơm nước thải dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành (thuộc dự án phát triển bền vững của TP Đà Nẵng).
Phần công trình tại hồ Bàu Trảng hoàn thành vào tháng 5-2019. Cùng thời gian, lòng hồ Bàu Trảng cũng được nạo vét phần bùn đáy. Tuy nhiên, người dân sống quanh khu vực cho rằng dự án không hiệu quả vì nước thải vẫn gây ô nhiễm kéo dài.
Bà Nguyễn Thị Thể (SN 1964, ở đường Bàu Trảng 3) cho biết nước hồ Bàu Trảng gần như chuyển thành màu đen từ khi hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại cửa hồ điều tiết hoàn thành.
“Đáng lẽ từ khi hoàn thành hệ thống tách biệt nước thải sinh hoạt và nước mưa thì chất lượng môi trường phải được cải thiện. Tuy nhiên đã hơn 8 tháng qua, nước hồ tại đây chưa một lần xanh trở lại, thậm chí hơn 1 tuần nay còn bốc mùi hôi khủng khiếp” – bà Thể bức xúc.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy toàn bộ diện tích gần 1,4 ha mặt hồ đều đặc sệt, đen kịt, bốc mùi hôi thối đến ngạt thở. Dù là khu vực đông dân cư nhưng ở đây nhà nào cũng đóng kín cửa, đường sá đìu hiu.
Ông Dương Văn Tự (SN 1958, ở đường Bàu Trảng 4) bày tỏ lo lắng khi gia đình ông và hàng xóm có biểu hiện mắc bệnh về hô hấp.
“Gần 1 tuần qua người ta cho sục khí tại lòng hồ làm mặt nước và lớp bùn đáy bị xáo động. Khí độc bốc lên khiến ai cũng thấy đau họng và rát cổ. Người dân đóng kín cửa để tránh mùi hôi nhưng không khí vẫn đặc quánh, không thể thở nổi” – ông Tự than phiền.
Đỗ lỗi hệ thống xử lý bị quá tải!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Thanh Quang, Trưởng Phòng Kỹ thuật 1 Ban Quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng (đơn vị vận hành), cho biết hồ Bàu Trảng tiếp nhận nước thải từ khu vực thượng lưu sân bay Đà Nẵng, qua kênh Phần Lăng. Nước thải từ hồ điều tiết Bàu Trảng sẽ qua kênh Yên Khê để về trạm xử lý nước thải Phú Lộc.
Dự án thu gom có công suất 5.000 m3/ngày đêm, mục đích tách riêng nước mưa và nước thải sinh hoạt, đưa nước thải về trạm xử lý nước thải Phú Lộc để xử lý trước khi hòa dòng vào sông Phú Lộc. Dù hệ thống máy bơm ở trạm Yên Khê vận hành hết công suất nhưng vẫn không hạ hết được nước tại cửa xả Yên Khê.
“Tuy dự án được nghiệm thu từ ngày 30-4-2019 nhưng đến nay vẫn chưa một lần được vận hành vì hệ thống xử lý bị quá tải, không thể thu gom vì không có nơi xử lý, dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Ngày 9-1, đơn vị đã có kiến nghị UBND TP về phối hợp vận hành hệ thống giữa các bên liên quan để giảm tải ô nhiễm tại khu vực” – ông Quang giải thích.
Trồng cây cải thiện nước (!?)
Cũng tại buổi kiểm tra ngày 9-1 tại hồ Bàu Trảng, đại diện Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP Đà Nẵng cho biết công ty đã vận hành trạm bơm Yên Khê 24/24 nhưng mực nước tại đây vẫn không hạ được. Hệ thống thu gom tuyến Yên Khê đã quá tải dù hệ thống đã được công ty đề xuất nâng cấp vào năm 2016.
Về vấn đề ô nhiễm tại hồ Bàu Trảng, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, cho biết đã cho sục khí ôxy tại 6 cụm máy tại hồ, đồng thời trồng các bè thực vật thủy sinh để cải tạo môi trường nước.
Trước thông tin trên, nhiều người dân tại khu vực hồ Bàu Trảng không khỏi ngán ngẩm. “Sục khí hay lắp bè thủy sinh làm gì nữa khi ô nhiễm tại đây đã lên đến đỉnh điểm rồi. Càng sục khí sẽ khiến ô nhiễm nặng hơn, bởi mùi hôi thối bốc lên càng khủng khiếp” – một người dân ngao ngán.
Nguồn: nld.com.vn/