Hơn 50 năm trước, Singapore bị khủng hoảng nước trầm trọng. Những con sông bốc mùi, ô nhiễm vì chất thải từ nhà máy đóng tàu, trang trại nuôi heo và nhà vệ sinh. Nhưng ngày nay, mọi chuyện đã thay đổi. Quốc gia này đã thu thập nước mưa, tái chế nước thải, thậm chí còn phát triển công nghệ bắt chước thận người để khử muối trong nước biển. Kỹ sư George Madhavan làm việc tại Cơ quan Nước PUB của Singapore nói với hãng tin Reuters vào năm 2015: “Trong một khoảng thời gian dài, chúng tôi đã biến đổi Singapore”.
Tại “quốc đảo sư tử”, PUB quản lý toàn bộ vòng lặp của nước. Theo ông Madhavan, mục đích chính là thu thập nước mưa và tái chế nước thải càng nhiều càng tốt. Ông Madhavan không dùng từ “nước thải”, thay vào đó gọi là “nước đã qua sử dụng”: “Chúng tôi không bán nước mà cho thuê. Sau đó, chúng tôi lấy nước lại, làm sạch nó giống như dịch vụ giặt ủi. Nước mà mọi người uống hôm nay tương tự nước mà khủng long uống. Chúng tôi không tạo ra hoặc phá hủy nước. Nó chỉ tuần hoàn. Vì vậy, chúng tôi sử dụng kỹ thuật để rút ngắn vòng lặp của nước”.
Nước mưa ở đây được thu dung nhờ mạng lưới ống cống 8.000 km, chảy vào 17 hồ chứa. Nước thải được lấy từ hệ thống thoát nước ngầm sâu khoảng 60m. Mỗi ngày, Singapore cung cấp 400 triệu gallon (1,5 triệu m3) nước cho 5,4 triệu dân. Năm 2003, nước này giới thiệu chương trình NEWater giúp xử lý nước thải và tinh chế nước thải lấy từ hệ thống thoát nước bằng cách sử dụng vi lọc, thẩm thấu ngược và khử trùng tia cực tím. Nước qua xử lý và tinh chế có thể uống được. Singapore đặt mục tiêu đáp ứng 55% nhu cầu về nước thông qua chương trình NEWater vào năm 2060.
Ngoài ra, Singapore đã khánh thành nhà máy khử muối đầu tiên vào năm 2005, đáp ứng 1/4 nhu cầu về nước sạch.
Nguồn: nld.com.vn/moi-truong/cuoc-cach-mang-nuoc-o-singapore-20210608194212783.htm