Liên tiếp chịu cảnh hạn hán gay gắt nhiều năm gần đây, bang California – Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch xử lý nước thải để bổ sung vào nguồn nước sinh hoạt. Kế hoạch trên của bang California lấy cảm hứng từ một số quốc gia khác, trong đó có Singapore, Úc, Nam Phi…
Sau hơn 10 năm xây dựng, cơ sở pháp lý cho kế hoạch này được thông qua vào tháng 12-2023, khi các nhà lập pháp bang California bật đèn xanh cho việc sử dụng trên diện rộng các cơ sở xử lý và lọc tiên tiến để biến nước thải thành nước tinh khiết, có thể bơm trực tiếp vào hệ thống cung cấp nước sinh hoạt đến hàng triệu hộ gia đình.
California trở thành bang thứ hai của Mỹ chấp thuận tái chế nước thải cho con người sử dụng, sau Colorado. Việc tái sử dụng nước thải này nhằm bổ sung hàng triệu gallon vào hệ thống cung cấp nước toàn bang California.
“Chúng tôi đã trải qua nhiều trận hạn lớn trong những năm qua. California là vùng đất khô hạn nên chúng tôi phải chuẩn bị nhiều hơn nữa cho tương lai” – ông Richard Santos – Giám đốc Cơ quan Nước ở quận Santa Clara Valley, bang California – nói với kênh Channel News Asia. Nền tảng của công nghệ làm sạch nước thải này đã được áp dụng hơn 10 năm qua ở quận Cam, phía Nam Los Angeles. Trong đó, nước chưa qua xử lý được cho chảy qua hệ thống vi lọc dày đặc, rồi thẩm thấu ngược và được diệt khuẩn bằng tia cực tím…
Theo hãng tin Reuters, quy định mới nêu trên còn bắt buộc bổ sung khâu khử trùng bằng ozone và lọc carbon sinh học. Các yêu cầu về loại bỏ mầm bệnh và giám sát nghiêm ngặt cũng được siết chặt hơn. Trong một số trường hợp, nước thải đã qua xử lý được dẫn về một nhà máy xử lý nước uống tiêu chuẩn trước khi cung cấp tới các hộ gia đình.
Trên thực tế, cơ quan quản lý tại nhiều cộng đồng dân cư ở California nhiều năm qua đã pha trộn nước thải được xử lý kỹ càng vào các tầng ngậm nước và hồ chứa trước khi cung cấp làm nước uống cho người dân. Chẳng hạn, tại các khu ngoại ô của quận Cam, phần lớn nguồn nước uống của 2,5 triệu người đến từ nước thải đã qua tinh chế cao độ được bơm xuống tầng nước ngầm.
Ông Darrin Polhemus, Phó Giám đốc bộ phận nước uống của Hội đồng Kiểm soát nguồn nước bang California, cho biết trong tương lai, nước tái chế có thể chiếm tới 10%-15% nguồn cung cấp nước cho một số khu dân cư ven biển một khi xảy ra hạn hán. Hẳn nhiên, chi phí xử lý nước thải không hề thấp. Theo Reuters, đầu tư cho những cơ sở như vậy dự kiến cần ít nhất 1 tỉ USD. Cơ quan Quản lý nước vùng đô thị Nam California thậm chí lên kế hoạch xây dựng một cơ sở trị giá tới 6 tỉ USD ở TP Carson, phía Nam Los Angeles, biến cơ sở này thành dự án tái chế nước lớn nhất toàn nước Mỹ.
Ngoài kinh phí và cơ sở hạ tầng, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là giành được sự ủng hộ của người dân. Bởi lẽ, vẫn còn rất nhiều người dị ứng trước ý tưởng nước sạch mình sử dụng chính là nước thải trước đây.