Hiện nay, tỉnh Bình Định có 3 KCN thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội (KCN Nhơn Hội – Khu A; KCN Nhơn Hội – Khu B; KCN Becamex) và 7 KCN nằm ngoài Khu kinh tế Nhơn Hội (3 KCN đã đi vào hoạt động: Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa; 2 KCN đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng: Hòa Hội, Bình Nghi; 2 KCN đang triển khai các thủ tục pháp lý liên quan: Cát Trinh, Long Mỹ giai đoạn 2).
Theo Phòng Quản lý Tài nguyên Môi trường (BQL Khu kinh tế tỉnh), đối với KCN Nhơn Hội (Khu A), KCN Nhơn Hội (Khu B), BQL Khu kinh tế đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung phục vụ chung cho cả 2 KCN và một số dự án lân cận ngoài KCN với tổng công suất thiết kế 2.000m3/ngày đêm, hiệu quả xử lý đạt cấp độ B theo QCVN 40:2011/BTNMT. Đến nay, BQL Dự án và GPMB Khu kinh tế – đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống đã hoàn thành các thủ tục pháp lý về môi trường cho hệ thống và đã có kế hoạch triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kết nối dữ liệu về Sở TN&MT đảm bảo hoàn thành chậm nhất trong ngày 31/12/2024.
Đối với KCN Becamex, chủ đầu tư đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 4.000m3/ngày đêm, với hiệu quả xử lý đạt cấp độ A theo QCVN 40:2011/BTNMT. Hiện chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành các thủ tục pháp lý về môi trường cho hệ thống và đã có kế hoạch triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kết nối dữ liệu về Sở TN&MT đảm bảo hoàn thành chậm nhất trong ngày 31/12/2024 theo quy định.
Cùng với đó, 3 KCN nằm ngoài KKT Nhơn Hội đến nay cũng đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Cụ thể, KCN Phú Tài và KCN Long Mỹ đã được xây dựng và đưa vào vận hành chung 1 hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 2.000m3/ngày đêm, hiệu quả xử lý đạt cấp độ A theo QCVN 40:2011/BTNMT. KCN Nhơn Hòa đã được xây dựng hoàn thiện 2 hệ thống xử lý nước thải tập trung (1 hệ thống có công suất 1.000m3/ngày đêm được xây dựng và vận hành ổn định từ năm 2012 với lượng nước thải thu gom, xử lý đạt trung bình khoảng 100m3/ngày đêm; 1 hệ thống có công suất 2.000m3/ngày đêm mới được xây dựng và lắp đặt hoàn thiện thiết bị trong tháng 10/2022, đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm), hiệu quả xử lý đạt cấp độ B theo QCVN 40:2011/BTNMT.
Phòng Quản lý Tài nguyên Môi trường (BQL Khu kinh tế tỉnh) cho biết, quá trình triển khai đồng bộ các hệ thống xử lý nước thải tại các KCN xuất hiện một số tồn tại, trước tiên là vấn đề kinh phí. Xét trên phương diện lợi nhuận doanh nghiệp, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng hệ thống xử lý nước thải khá cao, trong khi trước mắt hệ thống này chưa mang lại lợi nhuận. Việc mất cân đối giữa đầu tư và sinh lợi tạo trở ngại cho doanh nghiệp, là rào cản khiến các doanh nghiệp thường chậm trễ trong đầu tư thiết kế, xây dựng và vận hành bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải. Do đó, việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng các KCN cần nghiên cứu ưu tiên nhà đầu tư có năng lực tài chính và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, mặt bằng sử dụng cho xây dựng hệ thống xử lý nước thải khá lớn, nước thải KCN có thành phần phức tạp, tính biến động thành phần và biến động dòng chảy cao, đặt ra yêu cầu về diện tích đáp ứng đầu tư nhà máy và các công trình, về công nghệ tiên tiến, bền vững trong xử lý nước thải đặc thù KCN, trong đó ưu tiên nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ có tính đến yếu tố tiết kiệm mặt bằng. Mặt khác, từ đặc tính thành phần nước thải thay đổi liên tục, không ổn định, việc duy trì vận hành, bảo dưỡng bảo trì hệ thống cần nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng tốt, phù hợp, đảm bảo giám sát, vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, một số KCN hoặc một phần KCN chưa đủ năng lực đáp ứng toàn diện yêu cầu đặt ra.
“Mặc dù việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các KCN còn có những khó khăn, song hiện nay đa phần các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh đều có nhận thức tốt và đầu tư hệ thống bài bản để đáp ứng nhu cầu thu gom xử lý nước thải của các dự án thứ cấp trong các KCN”, đại diện Phòng Quản lý Tài nguyên Môi trường khẳng định.
Vừa qua, tại buổi làm việc về tình hình thu hút dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp phải quán triệt, thực hiện việc chuẩn hóa theo quy định ngay từ đầu đối với các khu, cụm công nghiệp đầu tư xây dựng mới, từng bước thực hiện chuẩn hóa đối với các khu, cụm công nghiệp đã có, đảm bảo phải thực sự bài bản, tuân thủ đầy đủ theo quy định.
Đồng thời, chủ động làm tốt hơn nữa công tác thu hút đầu tư và thẩm định, lựa chọn những nhà đầu tư thực sự có năng lực, ưu tiên các dự án có trách nhiệm với môi trường, có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao; rà soát các dự án chậm triển khai, có giải pháp đôn đốc nhà đầu tư triển khai thực hiện đúng tiến độ, đúng quy hoạch; làm tốt công tác quản lý, theo dõi nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm túc theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm (nếu có), trong đó phải hết sức lưu ý về vấn đề môi trường, xử lý nước thải, hạ tầng kết nối,… đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn/binh-dinh-chuan-hoa-xu-ly-nuoc-thai-khu-cong-nghiep-376549.html