Những năm gần đây, nhiều cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh được xây dựng và đi vào hoạt động đã tích cực góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Ngày càng nhiều cụm công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao, tuy nhiên việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường lại chưa được chú trọng, nhất là hệ thống xử lý nước thải đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như mục tiêu phát triển bền vững…
Toàn tỉnh hiện có 25 CCN đi vào hoạt động thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như: May mặc, dệt sợi, gốm sứ, gạch men, điện tử, nhựa… Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, thu hút và tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động với mức thu nhập bình quân từ 6,8-7 triệu đồng/người/tháng, tích cực góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Được UBND tỉnh phê duyệt thành lập từ năm 2006, CCN Nam Thanh Ba có tổng diện tích 36,74ha, mức đầu tư là 87,65 tỉ đồng, hiện đã thu hút 12 dự án sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy 81,8%, giải quyết việc làm cho 2.085 lao động. Thế nhưng sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, huyện Thanh Ba vẫn chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng đối với diện tích xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung của CCN. Các hạng mục như hồ điều hòa, nhà điều hành, trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp vẫn chậm tiến độ, chưa thể xây dựng do khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Hiện nguồn nước thải của CCN vẫn chưa được xử lý theo đúng quy định.
CCN Thị trấn Yên Lập được UBND tỉnh phê duyệt thành lập từ năm 2015 với tổng diện tích 40ha, tổng vốn trên 88,3 tỉ đồng. Hiện CCN thu hút được 9 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 79,3%, giải quyết việc làm cho 1.070 lao động. UBND huyện Yên Lập đã ưu tiên dành nguồn vốn lớn đầu tư xây dựng các hạng mục như tuyến đường nội bộ, trạm điện, cấp nước… tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải tập trung lại chưa được đầu tư xây dựng. Hiện tại, hệ thống này mới hoàn thiện thiết kế và bản vẽ kỹ thuật thi công…!
CCN Lương Sơn, huyện Yên Lập cũng trong tình trạng tương tự. Được thành lập từ năm 2015, hiện nay CCN đã thu hút được 5 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 20%. Hiện tại, do khó khăn về vốn nên huyện mới tập trung đầu tư xây dựng tuyến kênh, mương thoát nước và cây xanh chạy dọc theo tuyến đường giao thông chính trên diện tích đất đã thực hiện giải phóng mặt bằng và cho các dự án thứ cấp thuê… còn hệ thống xử lý nước thải tập trung, cây xanh, cảnh quan vẫn chưa được xây dựng.
Cùng với đó, một số CCN lớn như Hợp Hải – Kinh Kệ, huyện Lâm Thao; CCN Bạch Hạc, thành phố Việt Trì đã đi vào hoạt động hơn 10 năm, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư trạm xử lý nước thải chung. Theo lý giải của các Ban quản lý là do lượng nước thải sản xuất của các dự án trong cụm không nhiều, lượng nước thải ra chủ yếu là nước thải sinh hoạt nên việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung là không hiệu quả. Một số CCN khác cho rằng do khó khăn về nguồn vốn, chưa thu hồi đất và giải phóng mặt bằng nên chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung.
Theo Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh mới có 10/25 CCN cơ bản hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường về xử lý nước thải đảm bảo đủ điều kiện để thu hút các dự án vào sản xuất, kinh doanh. Còn lại chưa hoàn thiện hoặc chưa xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường về xử lý nước thải và chưa đầu tư, lắp đặt hệ thống kiểm soát, đo đạc tự động tại điểm xả thải của các nhà máy trong cụm…
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng
Thực trạng các CCN đã và đang gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư sống tại khu vực lân cận. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh xử phạt 10 cơ sở hoạt động tại khu, CCN trên địa bàn với số tiền trên 646 triệu đồng với các hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn, không thực hiện quan trắc, giám sát chất thải định kỳ…
Với quan điểm nhất quán “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, trong thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp và các cơ sở đang hoạt động ngoài khu, CCN. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát thải gây ô nhiễm môi trường nước và không khí, tăng cường quản lý rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt, tập trung giải quyết ô nhiễm tại khu, CCN chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật. Trong công tác tiếp nhận đầu tư, Sở kiên trì quan điểm tham mưu UBND tỉnh chỉ tiếp nhận các dự án có thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường, vị trí dự án phù hợp bảo đảm đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; hạn chế việc tiếp nhận các dự án đầu tư ngoài khu, CCN, ngoại trừ các ngành nghề dịch vụ, mang tính chất đặc thù; kiên quyết không cho đầu tư mở rộng, nâng công suất đối với các dự án đầu tư không thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, Sở tăng cường công tác hậu kiểm sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc nhập khẩu, đưa các công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng; trong quá trình thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường sẽ chú trọng các cơ sở sản xuất phát sinh các nguồn thải lớn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; tiếp tục đầu tư hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động và trang thiết bị quan trắc trên địa bàn tỉnh; vận hành, bảo trì hệ thống giám sát các trạm xử lý nước thải tập trung; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở sản xuất đã bị xử phạt nhiều lần nhưng không xây dựng lộ trình khắc phục, không xây dựng vận hành hệ thống xử lý chất thải đạt Quy chuẩn môi trường Việt Nam theo quy định.
Nhiều năm nay, thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các sở, ngành trong quá trình tham gia thẩm định, phê duyện các dự án đầu tư vào khu, CCN chỉ chấp thuận dự án đầu tư phù hợp với tính chất, ngành nghề của khu, CCN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung; kiên quyết từ chối các nhà đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt chú trọng đến báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, công tác thẩm định, giám sát xây dựng của chủ đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra…
Đồng chí Nguyễn Bá Thọ – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường; lấy mẫu xử lý nước thải đầu ra của các doanh nghiệp trước khi xả vào hệ thống xử lý nước thải chung; yêu cầu một số công ty cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thực hiện xử lý rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt. Nhờ vậy, đến nay hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, thực hiện việc nộp phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp; các cơ sở phát sinh nước thải đặc thù cũng đã thực hiện lắp đặt, cải tạo các hệ thống xử lý nước thải”.
Với những giải pháp đồng bộ, thiết thực của các cơ quan, đơn vị chức năng, mong rằng tình trạng các khu, CCN “nợ” hệ thống xử lý nước thải sẽ được giải quyết triệt để, đảm bảo phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sống.
Nguồn: baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/cum-cong-nghiep-no-he-thong-xu-ly-nuoc-thai/198315.htm