Tin tức

    Nhiều bất cập trong việc đầu tư xử lý nước thải ở TP Hồ Chí Minh

       Mặc dù những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thu phí bảo vệ môi trường, sau đó được thay bằng phí thoát nước ở mức 10% đơn giá sử dụng nước máy nhưng đến thời điểm này, dù mỗi ngày lượng nước thải của TP Hồ Chí Minh đã lên đến gần 3 triệu m3, nhưng chỉ có khoảng 13% trong số này được xử lý, lượng nước thải còn lại vẫn được đổ thẳng ra các tuyến sông, kênh, rạch.

    Cư dân sống vén tuyến kênh nước đen

    Cư dân sống vén tuyến kênh nước đen

       Cụ thể, ngoài một số trạm xử lý nước thải công suất nhỏ, hiện TP Hồ Chí Minh mới chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung được hoàn thành, đưa vào khai thác, gồm nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, công suất 141 nghìn m3/ngày trong giai đoạn 1, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa với công suất 46 nghìn m3 và nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến cát với công suất 131 nghìn m3/ngày.

       Trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường từ nước thải đã ở mức báo động tại các tuyến kênh, rạch nhiều năm qua, đến nay nhiều nhà máy xử lý nước thải đã được quy hoạch hơn chục năm vẫn chưa bố trí vốn ngân sách để triển khai. Do đó đã có nhiều dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất lớn được đưa ra mời gọi đầu tư như dự án nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 và 2 với công suất lên tới 300 nghìn m3/ngày…

       Để xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường, chi phí của các nhà máy sẽ rất cao. Đã vậy, hiện nhiều tuyến kênh, rạch chưa được đầu tư hệ thống cống bao để dẫn nước thải đến các nhà máy xử lý. Thực tế cho thấy, trước đây dự án nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bắc Sài Gòn 1 có công suất 170 nghìn m3/ngày được đưa ra mời gọi đầu tư nhưng chỉ có 2 nhà đầu tư quan tâm, trong đó nhà đầu tư đã đề xuất làm dự án với tổng mức đầu tư khoảng 5.544 tỷ đồng, thì phương án đưa ra đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao lại cho thành phố vận hành.

      Tại dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất lớn tại lưu vực Tây Sài Gòn ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, khi lập dự án quy hoạch Khu liên hợp văn hóa, thể thao và dân cư Tân Thắng để giao cho doanh nghiệp tư nhân làm dự án vào năm 2007, toàn bộ khu đất có diện tích lên đến 93ha gồm cả hạng mục là nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn.

       Tuy nhiên, sau đó TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho doanh nghiệp cắt lại 11ha phần diện tích làm nhà máy xử lý nước thải để bàn giao lại cho trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố triển khai đầu tư dự án. Từ đó đến nay đã hơn 15 năm, nhà máy xử lý nước thải không được làm, còn người sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch nhà máy phải sống chung với dự án treo.

       Từ đó đến nay, dự án xử lý nước thải công suất lên đến 150 nghìn m3/ngày này gần như đã bị quên lãng dù đã được thành phố đưa vào danh sách mời gọi đầu tư và đặt mục tiêu đưa nhà máy vào vận hành từ năm 2015.

      Do không được triển khai nên gần đây, TP Hồ Chí Minh đã đề xuất với Chính phủ gom các nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn công suất 150 nghìn m3/ngày, Tân Hóa – Lò Gốm, công suất 300 nghìn m3/ngày và Bình Tân, công suất 180 nghìn m3/ngày thành 1 nhà máy xử lý nước thải tại Bình Hưng Hòa để giảm chi phí đầu tư.

       Tương tự, sau hàng chục năm triển khai dự án xử lý môi trường tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đến nay dự án nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè với tổng vốn đầu tư lên đến 524 triệu USD, công suất xử lý 480 nghìn m3/ngày vẫn đang ì ạch. Thực trạng này khiến toàn bộ lượng nước thải trong lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè vẫn cứ phải pha loãng vào nước sông Sài Gòn.

       Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025, thành phố cần tổng nguồn vốn khoảng 41.000 tỷ đồng để hoàn thiện các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị. Nhưng số vốn này chủ yếu từ nguồn vay ODA và các nhà đầu tư tư nhân, chứ ngân sách cũng không có khả năng bố trí.

      Để tăng tốc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, đầu năm nay, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát quỹ đất, tổ chức cắm mốc tại các vị trí dự kiến xây dựng các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch. Đồng thời tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải của các khu dân cư, khu nhà ở, chung cư chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

       Vấn đề đặt ra là TP Hồ Chí Minh cần quan tâm đúng mức, ưu tiên bố trí vốn hàng đầu đến việc đầu tư cho các dự án xử lý nước thải, cải tạo các tuyến kênh rạch ô nhiễm nặng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người dân từ nhiều năm qua.

     

    Nguồn: cand.com.vn/Ban-doc-cand/nhieu-bat-cap-trong-viec-dau-tu-xu-ly-nuoc-thai-o-tp-ho-chi-minh-i682927/

    Khách hàng nhận xét