Chủ tịch công ty JVE Nguyễn Anh Tuấn đã quá vội vàng khi tuyên bố một con cá Koi vừa thả xuống đoạn sông Tô Lịch bị chết có thể do bị đối tượng xấu phá hoại, bởi nếu bị phá hoại thì cả đàn cá Koi e rằng đã chết hết.
Sau hai ngày thả xuống sông Tô Lịch (là các bể đang được thử nghiệm làm sạch trên một đoạn sông Tô Lịch), một con cá Koi đã bị phát hiện chết ngày 18/9/2019. Cá Koi là cá chép Nishikigoi, một loại cá chép thường đã được thuần hóa, lai tạo để nuôi làm cảnh trong những hồ nhỏ, được nuôi phổ biến tại Nhật Bản).
Trên thị trường hiện nay, cá Koi Nhật Bản có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu/con.
Trả lời phóng viên Zing.vn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE, công ty trực tiếp thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản Bio-Reactor Nano khẳng định cá Koi chết không phải do nước không đạt tiêu chuẩn, mà có “khả năng đàn cá Koi bị đối tượng xấu phá hoại”. Thoạt nghe thì có vẻ thuyết phục bởi trước đó đã rùm beng nghi vấn xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch hồi tháng Bảy đã cuốn trôi thành quả thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, lần này tôi cho rằng nghi ngờ của ông Nguyễn Anh Tuấn là quá hấp tấp bởi vì nếu có người xấu phá hoại thì không chỉ có một con chết, mà rất nhiều con cá đã chết. Vậy lý do có thể là gì?
Có hai lý do. Trước hết, việc có một tỉ lệ cá bị chết khi thả cá là hoàn toàn bình thường. Thứ hai, hoạt động thả cá Koi vào bể thử nghiệm trên sông Tô Lịch rất cẩu thả, nếu như không muốn nói là khủng khiếp đối với những chuyên gia nuôi cá cảnh, nhất là cá Koi.
Như hình ảnh video thả cá Koi xuống sông Tô Lịch cho thấy rất nhiều cá Koi (50 con cá Koi) được đổ từ bao vào xô nhựa, hoặc còn nguyên trong bao rồi đứng ở trên bờ dốc xuống bể. Thậm chí có người còn lấy tay bắt từng con ra rồi tung xuống nước.
Việc thả cá Koi nói riêng và cá cảnh nói chung đòi hỏi phải rất cẩn thận để tránh cho cá khỏi bị sốc, yếu mà chết. Cá Koi cần có thời gian làm quen với môi trường mới – độ PH và nhiệt độ – rồi mới thả.
Để làm quen với môi trường mới, cá được thả cách ly vào bồn hoặc bể cá riêng biệt với việc bổ sung dần nước ở môi trường mới. Khi cá đã sẵn sàng để vào bể hoặc ao mới, đầu tiên phải đảm bảo nhiệt độ bể cách ly và bể/ ao mới không quá chênh lệch (trong phạm vi 5 độ C) bằng cách đặt cá vào trong túi lớn có chứa nước từ bể cách ly và thả túi vào bể mới trong khoảng 15 -phút để cho nhiệt độ cân bằng. Sau đó mất thêm 10 đến 15 phút và dần dần đổ đầy túi bằng nước bể mới do các thông số như độ pH (7-7,5), độ kiềm… hai môi trường là khác nhau. Cuối cùng, nhấn chìm túi và để cá bơi ra môi trường mới.
Một điều quan trọng nữa là ngay từ đầu thả cá Koi, người ta không thả quá nhiều cá cùng một lúc vì nó có thể khiến cho chất lượng nước kém đi (như nồng độ nitrite, ammonia cao) khiến cá dễ bị bệnh, không có sức sống nữa.
Việc “đổ” một lúc 50 con cá koi vào bể nước trên sông Tô Lịch như vừa qua là quá nhiều. Thả cá mới vào bể mới cũng có tỷ lệ cá chết nhất định. Một con cá Koi bị phát hiện chết không có gì là bất ngờ, và cũng không phải là cơ sở để khẳng định nước không đạt tiêu chuẩn.
Được biết JVE đã nhờ một chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mổ cá ngay sau khi phát hiện cá chết để tìm hiểu nguyên nhân. Chưa rõ kết quả như thế nào nhưng việc đổ tội cho người xấu phá hoại trong trường hợp này là thiếu cơ sở và thuyết phục.
Nguồn: vnreview.vn