Thành phố Hà Nội đã xác định 187 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn 21 quận, huyện, thị xã. Từ đó, các đơn vị chức năng tiến hành phân loại, đánh giá và đề xuất phương án xử lý, khắc phục. Sáng 24.9, Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP. Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2018 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tham gia và chủ trì hội nghị.
Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá 2 nội dung: Kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Thứ hai là kết quả khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng của thành phố đã kiểm tra, thanh tra tại 681 cơ sở, xử phạt 159 cơ sở với số tiền trên 5,1 tỷ đồng. Sở TNMT đã thành lập 5 đoàn kiểm tra tại 30 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và một số dự án xây dựng trên địa bàn.
Nhằm khắc phục, xử lý các điểm ô nhiễm môi trường, năm 2017, thành phố đã chỉ đạo Sở TNMT tiến hành rà soát, kiểm tra. Qua đó, các đơn vị xác định 187 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn 21 quận, huyện, thị xã.
Trên cơ sở đó, Sở TNMT đang tiến hành phân loại, đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm tại các điểm này để đề xuất phương án xử lý, khắc phục.
Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP cũng chỉ ra một số điểm còn tồn tại, hạn chế, như việc phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện còn chưa chặt chẽ. Một số đơn vị triển khai các nhiệm vụ còn chậm. Việc thực hiện nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết 11 còn chưa đạt yêu cầu, cần phải tập trung trong thời gian tới.
Trong đó, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải sinh hoạt nội đô và hệ thống cấp nước sạch khu vực nông thôn còn chậm. Chỉ tiêu đến năm 2020 cung cấp nước sạch đến 100% hộ dân khu vực nông thôn khó hoàn thành.
Việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, từng bước làm sống lại sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy chưa đáp ứng yêu cầu. Việc di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch gặp nhiều khó khăn. Lực lượng cán bộ quản lý môi trường cấp huyện còn thiếu về số lượng; cán bộ chuyên trách về môi trường cấp xã, phường còn yếu…
Nguồn: tinmoitruong.vn