Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương báo cáo kết quả về việc xử lý, xem xét kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan đến sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai ngay và nghiêm túc thực hiện một số nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Công văn nêu rõ: Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 21/12/2016, Tổ công tác đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc quyết liệt, đổi mới, sáng tạo của Bộ trong thời gian vừa qua; nhiều nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã có sự chuyển biến rõ nét trong kết quả thực hiện, nhất là nỗ lực điều tra nguyên nhân, khắc phục sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế).
Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương báo cáo kết quả về việc xử lý, xem xét kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan đến sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua.
Ông Hà yêu cầu đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh Đề án thiết kế, lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc môi trường tại 4 tỉnh miền Trung trình Chính phủ, trong đó tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục việc quan trắc môi trường biển tại 4 tỉnh, cập nhật và công bố thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cả nước biết và giám sát, nhất là tại các nhà máy, khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, công bố rộng rãi số liệu quan trắc môi trường biển miền Trung.
“Đề xuất biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường cụ thể đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh”- ông Hà nêu rõ.
Về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để tái diễn sự cố môi trường, không để hiện tượng “phạt để tồn tại”.
Chú trọng thực hiện các giải pháp về chính sách, pháp luật; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tập trung các giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn cho phép và không đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.
Ông Hà chỉ đạo đơn vị liên quan đề xuất biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường cụ thể với các dự án Nhà máy Giấy Lee & Man (Hậu Giang), dự án Núi Pháo (Thái Nguyên), dự án DAP Đình Vũ (Hải Phòng) để bảo đảm chắc chắn không tái diễn sự cố gây ô nhiễm môi trường, dự phòng kế hoạch, biện pháp xử lý nếu để xảy ra sự cố…
Tháo gỡ vấn đề cấp sổ đỏ ở các địa phương
Về công tác quản lý nhà nước về đất đai và vấn đề tích tụ, tập trung đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Quản lý đất đai xây dựng kế hoạch công tác quản lý đất đai năm 2017, trong đó chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ), nhất là tại các địa phương còn để tình trạng xử lý hồ sơ quá thời gian quy định, kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm như Bà Rịa -Vũng Tàu, Nghệ An…
“Kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên môn xử lý hồ sơ chưa đúng quy định tại một số địa phương (Cần Thơ, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Hà Nội, Bắc Giang…); duy trì hoạt động hiệu quả và báo cáo thường xuyên kết quả xử lý của đường dây nóng tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của người sử dụng đất. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến tích tụ, tập trung đất đai để vừa bảo đảm tích tụ ruộng đất vừa bảo đảm quyền lợi người nông dân”- công văn nêu rõ.
Bộ trưởng Hà cũng giao Cục Quản lý tài nguyên nước tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, các quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật; nghiên cứu đề xuất cơ chế chia sẻ, trách nhiệm giữa các bên trong khai thác, bảo vệ tài nguyên nước trên các lưu vực sông để đảm bảo an ninh nguồn nước;
Thiết lập hành lang bảo vệ, quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước; rà soát, đánh giá và điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa để điều tiết nước đáp ứng yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ, cấp nước mùa cạn và phát điện của các hồ chứa.