Tin tức

    Xây dựng thành phố sông nước: Lắng nghe người dân hiến kế

       Tận dụng lợi thế sông nước để kết nối giao thông thủy, giải quyết kẹt xe và ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu hút du lịch, phục hồi và phát triển kinh tế. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc với khoảng 2.000 km đã tạo nên diện mạo đặc trưng, vẻ đẹp cảnh quan khác biệt cho TP HCM. Cảnh quan sông nước này từng được xem là “mặt tiền” của Sài Gòn xưa.

       Quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế dù qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng đều nương theo yếu tố tự nhiên đặc thù sông nước. Ngày nay càng nên tận dụng lợi thế đó để xây dựng đô thị, giải quyết kẹt xe và ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí, giảm nóng bức trong đô thị; đồng thời giúp khai thác, thu hút du lịch, phục hồi và phát triển kinh tế.

    Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

    Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

       Nhắc đến môi trường sông nước, không thể thiếu các bến đã thành tên gọi quen thuộc và trở thành ký ức của nhiều thế hệ, như Bến Nghé, Bến Thành, Bến Bạch Đằng, Bến Nhà Rồng, Bến Chương Dương, Bến Bình Đông… Dấu tích vẫn còn dễ thấy như Bến Bình Đông và kênh Tàu Hũ (quận 8) thường đón những tàu thuyền từ miền Tây lên thành phố chở hàng, buôn bán, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

       Những kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm được cải tạo, chỉnh trang đã tạo diện mạo mới cho cảnh quan và môi trường trong khu vực. Dẫu vậy vẫn còn nhiều nơi cần cải tạo, chỉnh trang với 25 dự án. Trong đó có những dự án trọng điểm được liệt kê như cải tạo kênh Hy Vọng, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh… Biết rằng rất tốn kém, mất nhiều thời gian nhưng là việc trước sau gì cũng phải làm, làm càng sớm càng lợi.

       Nên chăng lồng ghép cải tạo, chỉnh trang này hướng đến xây dựng đô thị sông nước đa chức năng. Tin rằng với giải pháp phù hợp, nỗ lực lớn từ chính quyền sẽ thành công. Nạo vét kênh, rạch và xây bờ kè bảo vệ. Giải tỏa thêm mỗi bên từ 200 – 500 m phục vụ tái định cư tại chỗ hoặc nhận tiền đền bù tùy người dân lựa chọn. Làm tuyến đường hai bên, công viên, chiếu sáng, nhà vệ sinh, chỗ gửi xe… Nơi sinh hoạt cộng đồng có các tiện ích ghế ngồi, wifi, camera an ninh… Chỉ tính phần làm công viên cũng giúp tăng đáng kể mảng xanh, góp phần hoàn thành mục tiêu có 10 triệu cây xanh cho thành phố.

       Tùy khu vực tạo điểm nhấn cảnh quan sông nước, thiếu cây xanh thì làm mái che nắng mưa bằng hệ thống năng lượng mặt trời – vừa phục vụ người dân vừa tạo ra điện chiếu sáng đường phố, hệ thống đèn tín hiệu, bù đắp phần sự hao hụt và giảm tải điện cho TP HCM.

       Trong dự án có quy hoạch các chức năng đời sống xã hội như chợ, trường học, ngân hàng, tôn giáo, cơ sở y tế… Hệ thống thoát nước hiện đại để chống ngập, kịp giải quyết mọi cơn mưa lớn nhỏ. Nơi thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trước khi xả ra môi trường tự nhiên.

    Nguồn: nld.com.vn/ban-doc/lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-xay-dung-thanh-pho-song-nuoc-20220401205226949.htm

    Khách hàng nhận xét